Món khoai đặc sản phải ủ chăn bông 3 ngày, phơi 12 nắng ở Quảng Bình
- Người viết: Thanh Hien lúc
- Tin tức
Món khoai đặc sản phải ủ chăn bông 3 ngày, phơi 12 nắng ở Quảng Bình
Từ món ăn dân dã để dành cho mùa lũ, khoai deo ngày nay trở thành món ăn đặc sản của Quảng Bình, được đóng gói hút chân không bán đi cả nước và là món quà quê của du khách khi đến vùng đất gian khó miền Trung.
Mùa nắng nóng bắt đầu cũng là lúc những mẻ khoai deo đặc sản được người dân Hải Ninh (H.Quảng Ninh, Quảng Bình) cho ra lò. Nếu có dịp đến đây, du khách dù ở đâu cũng thấy khoai deo được phơi khắp nơi để kịp bán cho một mùa khoai mới.
Chẳng cần đi tìm đâu xa, những căn nhà đầu tiên ở đầu xã Hải Ninh đã xuất hiện lớp lớp khay đựng khoai deo. Khoai được phơi từ sân nhà đến hàng rào, thậm chí dựng cả giàn để phơi món ăn đặc sản.
Bà con xã Hải Ninh thức dậy từ sớm để chế biến khoai deo
Thôn Tân Định chính là cái nôi sản xuất khoai deo nức tiếng của Hải Ninh và cũng là nơi sản xuất khoai deo lớn nhất ở Quảng Bình. Để làm ra món ăn đặc sản này, người dân phải phơi mình dưới cái nắng gần 40 độ C để cho ra những mẻ khoai deo ngọt ngào, đậm đà hương vị nhất.
Khoai tươi được phơi nắng rồi ủ trong chăn bông nhiều ngày...
BÁ CƯỜNG
Sau đó mang đi luộc chín
BÁ CƯỜNG
Thức dậy từ sớm, bà Lê Thị Luyến (56 tuổi, Tân Định,Hải Ninh) mừng vui khi hôm nay có gió nam. Mới 7 giờ sáng nhưng mặt trời đã lên cao và hừng hực sức nóng, đây lại là thời tiết lý tưởng để khoai deo ngon ngọt nhất.
Bà Luyến đã có hơn 10 năm làm nghề khoai deo
BÁ CƯỜNG
"Trời hôm nay nắng to, cứ thế này thì tiến độ phơi khoai được đẩy nhanh, nắng lớn cũng làm khoai dai hơn, ngọt hơn. Hôm nay nếu trời cứ thế này tôi có thể thu hoạch được 3 tạ khoai, vượt tiến độ", bà Luyến nói.
Sau khi luộc chín, khoai được tách vỏ và cắt thành lát cho lên khay phơi
BÁ CƯỜNG
Đến thôn Tân Định, đi đâu cũng thấy người dân hì hục làm khoai deo
BÁ CƯỜNG
Làm nghề khoai deo hơn 10 năm qua, mỗi mùa bà Luyến có thể xuất bán 4 - 5 tấn khoai deo nhưng cũng chỉ thuộc các hộ sản xuất khoai nhỏ tại thôn Tân Định.
Món ăn này nhìn qua có vẻ đơn giản, nhưng để làm được cũng rất dày công và mất nhiều thời gian. Ghé thăm lò sản xuất khoai deo của ông Cao Văn Hường (67 tuổi, thôn Tân Định, xã Hải Ninh), chúng tôi có dịp được chứng kiến cách làm món ăn thú vị này.
Mỗi năm người dân xã Hải Ninh có thể sản xuất gần 300 tấn khoai deo
BÁ CƯỜNG
"Nguyên liệu thường được trồng ngay tại xã và nhập thêm khoai ở Lệ Thủy. Khi khoai về phải phơi khoảng 12 nắng và ủ trong chăn bông 3 ngày. Tiếp đó mang đi luộc chín, cắt nhỏ rồi lại tiếp tục phơi thêm 12 nắng nữa mới cho ra lò được mẻ khoai chất lượng", ông Hường nói.
Nghề làm khoai deo đã xuất hiện hơn 100 năm tại xã Hải Ninh
BÁ CƯỜNG
Khi khoai khô lại có màu đỏ cam, dẻo dai là lúc thu hoạch được
BÁ CƯỜNG
Cứ mỗi củ khoai tính từ khi còn tươi cho đến lúc thành phẩm, khoai deo mất chừng một tháng và trải qua nhiều công đoạn. Trong suốt quá trình chế biến khoai, nếu không may vấp phải một trận mưa, mẻ khoai đó coi như mất trắng.
Gia đình ông Hường cũng có hơn 50 năm làm nghề khoai deo
BÁ CƯỜNG
Hiện nay, khoai deo được bán với giá dao động từ 110.000 - 120.000 đồng/kg. Du khách đến Quảng Bình dường như đều được thưởng thức món ăn mang đậm hương vị quê hương đã làm nên tên tuổi ở Quảng Bình.
Món ăn nhìn qua đơn giản nhưng lại có quy trình làm rất phức tạp
BÁ CƯỜNG
Tại xã Hải Ninh, hiện nay có khoảng 250 hộ dân đang làm nghề khoai deo tập trung phần lớn tại hai thôn Tân Định và Hiển Trung. Trung bình mỗi năm có thể sản xuất gần 300 tấn khoai deo để xuất bán khắp cả nước.
Khoai deo có vị ngọt thơm, dẻo và bùi bùi, thường được thưởng thức cùng với ly trà nóng. Món ăn dân dã này là niềm tự hào của người dân Quảng Bình, không thua gì món cháo canh nổi tiếng.