Khách Tây sợ đi bộ ở Hà Nội

Khách Tây sợ đi bộ ở Hà Nội

Nhiều khách nước ngoài cho biết sợ đi bộ ở Hà Nội bởi thường xuyên phải di chuyển dưới lòng đường, "thót tim" khi còi hú lên sau lưng.

Ngồi trên vỉa hè một quán ăn chưa mở cửa ở "phố Tây" Tạ Hiện, quận Hoàn Kiếm trưa 7/3, Glenn - du khách đến từ Australia - đang bóc một chiếc bánh mì cho cậu con trai và giữ chặt bé. Glenn không muốn con chạy nhảy lung tung bởi "quá nguy hiểm khi ở trên đường phố Hà Nội".

Nam du khách sớm cảm nhận được sự "khắc nghiệt" của Hà Nội, đặc biệt là khu phố cổ trong lần đầu tiên đến Việt Nam. Glenn hầu như "chẳng có đường" để đi. Hàng quán vỉa hè, xe máy đỗ bừa bãi đã chiếm hết chỗ dành cho người đi bộ.

Glenn cho biết ở Australia, vỉa hè chỉ dành cho người đi bộ. Ông không rõ các nơi khác ở Việt Nam ra sao nhưng ở Hà Nội, vỉa hè luôn chật cứng và rất khó di chuyển. "Điều này thực sự nguy hiểm cho những du khách dắt theo trẻ nhỏ như tôi", Glenn nói.

Glenn và con trai ngồi nghỉ ở một cửa hàng chưa mở cửa.

Glenn và con trai ngồi nghỉ ở một cửa hàng chưa mở cửa trưa ngày 7/3.

Anna, nữ du khách Pháp, có sở thích chụp ảnh khi du lịch. Cô thường đi bộ và ghi lại những khoảnh khắc đẹp trên đường phố. Khi tới Hà Nội, Anna luôn phải đề cao cảnh giác bởi vỉa hè hầu như không thể đi được. Cô thường xuyên phải đi dưới lòng đường để chụp ảnh. Đôi khi, một tiếng còi xe hú sau lưng khiến Anna "thót tim".

Anna cho biết vỉa hè ở Hà Nội không dễ chịu như Paris (Pháp) - thành phố nơi cô sống. Vỉa hè tại thủ đô nước Pháp rộng hơn, không có xe máy đỗ bừa bãi. Vì thế, những người thích đi bộ chụp hình như Anna có thể cảm thấy thoải mái và an toàn hơn. Khi được nói về về chiến dịch dọn dẹp vỉa hè của Hà Nội, cô khẳng định đó là điều cần làm và thực hiện sớm.

"Vỉa hè nên chỉ dành cho người đi bộ", cô nhấn mạnh.

Dima, du khách người Nga đến Hà Nội được 4 ngày, cũng đồng tình với quan điểm trên. Anh thấy khá áp lực vào ngày đầu tiên vì phải đi bộ dưới lòng đường giữa những chiếc xe chạy không ngừng. Theo Dima, Hà Nội là thành phố xinh đẹp, có bề dày lịch sử và những công trình kiến trúc cổ kính. Tuy nhiên, chính sự lộn xộn trên vỉa hè đã làm ảnh hưởng đến nét đẹp của thành phố.

Anna muốn vỉa hè chỉ nên dành cho người đi bộ.

Anna chụp ảnh trong chuyến đi Hà Nội đầu tháng 3.

Theo ghi nhận của VnExpress, dọc trên trục phố Tạ Hiện giao với Lương Ngọc Quyến và các phố cổ quanh khu vực hồ Gươm các ngày trong tuần và cuối tuần, không khó để bắt gặp hình ảnh các hàng quán bày bán tràn lan, người ngồi kín vỉa hè. Trong khi đó, những nhóm khách nước ngoài phải luồn qua những kẽ hở hiếm hoi trên vỉa hè bị xe máy chiếm dụng. Một số nhóm không muốn đi lại khó khăn trên vỉa hè nên xuống lòng đường. Với các nhóm khách lớn, việc tràn xuống lòng đường để đi bộ cũng gây nguy hiểm cho chính họ, cũng như những người tham gia giao thông.

Sau khi được chia sẻ về chiến dịch dọn dẹp vỉa hè của Hà Nội, ông Glenn tỏ ra hứng thú. Ông mong chiến dịch có thể thành công để các du khách như ông không còn phải lo lắng đối mặt với hiểm nguy khi đi bộ trên đường. Theo Glenn, với những vỉa hè lớn, người dân cũng có thể để xe máy nhưng cần gọn gàng. Với những nơi hẹp và đông đúc như khu phố cổ, vỉa hè tốt nhất chỉ nên dành cho người đi bộ.

Hà Nội là một trong những thành phố luôn thu hút một lượng lớn khách nước ngoài đến Việt Nam. Năm 2023, Sở Du lịch Hà Nội dự kiến đón khoảng 3 triệu khách quốc tế.

A person and person walking down a sidewalk

Description automatically generated with low confidence

Tuy nhiên, Nico, du khách Pháp đã đến Việt Nam ba lần, cho biết thích đường phố và cảnh quan "độc nhất" của Hà Nội. "Nếu đường phố của các bạn cũng như Paris, Hà Nội sẽ chẳng còn là Hà Nội nữa", ông nói và khuyên các du khách nên học cách "luồn lách uyển chuyển khi đi bộ hoặc tham gia giao thông".

Tú Nguyễn

Nguồn: https://vnexpress.net/khach-tay-so-di-bo-o-ha-noi-4578613.html

← Bài trước Bài sau →